CHÚNG TA NÊN TIẾP CẬN MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ – THÔNG MINH NHƯ THẾ NÀO?
Phát triển Nông nghiệp hữu cơ thông minh là sự lựa chọn đúng đắn vì trước sau nông nghiệp Việt Nam cũng phải phát triển theo hướng này.
Đây là một việc làm khó, đòi hỏi nhiều nỗ lực và quyết tâm. Cái khó không đến từ thách thức về công nghệ mà là sự thay đổi từ nhận thức đến phương pháp tổ chức thực hiện, thay đổi tập quán canh tác song song với xây dựng hạ tầng, chính sách và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững. Tóm lại, đây là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn ở Việt Nam.
Vậy chúng ta nên chọn cách tiếp cận nào? Dưới đây, dựa vào thực tế của nước nhà và xu thế phát triển, chúng tôi xin nêu một số nội dung để tham khảo.
III.1 Xây dựng hình mẫu nông nghiệp hữu cơ
Như đã đề cập, nông nghiệp thông minh chỉ dựa trên nền tảng nông nghiệp hữu cơ. Vì vậy, cần chú trọng xây dựng hình mẫu nông nghiệp hữu cơ thật sự ở từng địa phương. Việc xây dựng hình mẫu sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm mục đích thuyết phục người dân những lợi ích quan trọng và bền vững mà sản xuất hữu cơ mang lại cả về kinh tế lẫn xã hội.
Việc làm này mang ý nghĩa quan trọng cho tất cả mọi người, từ nhà quản lý đến người sản xuất, nhà khoa học, nhà cung cấp vật tư nông nghiệp và cả người tiêu dùng:
– Nhà quản lý: Có căn cứ thực tiễn để điều chỉnh các chính sách trong quản lý nhà nước về phát triển nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho người dân, xây dựng uy tín của nơi xuất xứ hàng hóa, đào tạo cán bộ, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong thời đại công nghệ số,…
– Người sản xuất: Tập dượt, làm quen với quy trình canh tác hữu cơ, hướng tới có thu nhập ổn định và bền vững, có môi trường sản xuất an toàn, cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, có uy tín và chất lượng.
– Nhà khoa học, các chuyên gia: Cung cấp các giải pháp công nghệ toàn diện để phát triển nông nghiệp dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số trong một tổng thể thống nhất.
– Nhà cung cấp vật tư nông nghiệp: Điều chỉnh mặt hàng kinh doanh hướng hữu cơ theo nhu cầu phát triển nông nghiệp an toàn hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao.
– Người tiêu dùng: Có được nơi tham quan sản xuất ra thực phẩm an toàn để khuyến khích sản xuất theo mô hình tương tự. Được sử dụng thực phẩm an toàn.
Việc xây dựng hình mẫu sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thể được triển khai theo các bước sau:
Bước 1: Lựa chọn mẫu
Lựa chọn một số mẫu cụ thể ở từng địa phương. Ví dụ:
– Nông hộ người dân tộc: Nước ta có 53 dân tốc anh em cùng chung sống. Vì vậy, việc xây dựng mô hình nông hộ người dân tộc biết sản xuất nông nghiệp hữu cơ hướng thông minh có ý nghĩa kinh tế xã hội rất quan trọng.
– Nông hộ trồng rau, quả: Rau quả là loại cây được trồng phổ biến nhất ở Việt Nam vì ngày nào người tiêu dùng cũng cần dùng đến. Mỗi địa phương xã, thị trấn nên lựa chọn một hay hai nông hộ xây dựng mô hình kiểu mẫu về trồng rau quả hữu cơ hướng thông minh.
– Nông hộ trồng cây ăn trái: Để thu hút du lịch, địa phương cần đa dạng hóa sản phẩm. Vì thế nên có mô hình trồng cây ăn trái hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Trồng loại cây nào phù hợp nhất với địa phương mà lựa chọn.
– Nông hộ chăn nuôi: Vật nuôi chủ yếu ở nước ta là bò, heo, gà,… Cần xây dựng mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao từ khâu xây dựng hay cải tạo chuồng trại, chuẩn bị thức ăn, chăm sóc, xử lý mùi hôi, phòng và chữa một số bệnh cho vật nuôi, logistics, tiêu thụ.
– HTX hay doanh nghiệp nông nghiệp: Nền kinh tế nông nghiệp hữu cơ thông minh có hạt nhân là các doanh nghiệp. Vì vậy, mỗi xã, thị trấn cần chọn 1-2 HTX hay doanh nghiệp để xây dựng hình mẫu.
Tiêu chuẩn chọn:
– Tự nguyện tham gia
– Cam kết tuân thủ những quy định của chương trình (tham gia lớp đào tạo, tuân thủ quy trình sản xuất,…)
– Có điều kiện thực hiện
Bước 2: Xây dựng mô hình
Địa phương đầu tư và vận động xã hội hóa cùng đầu tư xây dựng những mô hình mẫu trên.
Kết quả cần xây dựng được:
– Mô hình nông hộ trồng rau quả hữu cơ: Xử lý đất, nước bằng phương pháp hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, áp dụng tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước, sử dụng chế phẩm bảo vệ thực vật hữu cơ, chế phẩm bảo quản nông sản hữu cơ dành cho các loại rau quả (rau ăn lá, củ, quả).
– Mô hình nông hộ trồng cây ăn trái hữu cơ: Tương tự như trên.
– Mô hình nông hộ chăn nuôi bằng phương pháp hữu cơ: Xử lý chuồng trại hữu cơ, sản xuất thức ăn hữu cơ (ví dụ cỏ, bắp ủ men cho bò), xử lý mùi hôi, chất thải của vật nuôi bằng phương pháp hữu cơ.
– Mô hình HTX/Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Hình thành cụm nông hộ ứng dụng công nghệ cao với:
o Hệ thống thủy lợi chung
o Hệ thống hạ tầng chung (đường đi, thủy lợi, vệ sinh (chất thải, rác thải giống mô hình Mai Châu, Hòa Bình), điện, chiếu sáng,…).
o Sản xuất theo quy trình hữu cơ và tham gia chuỗi liên kết theo giá trị.
o Cung cấp dịch vụ du lịch chung (du lịch sản xuất, homestay, học tập, chuyển giao công nghệ,…).
o Mô hình doanh nghiệp nông nghiệp hữu cơ: Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với vai trò đầu mối cảa chuỗi liên kết (thường là nắm khâu chế biến và tiêu thụ).
Cộng đồng các đơn vị kinh tế nông nghiệp hữu cơ nêu trên tại một địa phương tạo ra nền tảng để xây dựng cụm kinh tế nông nghiệp hữu cơ hiện đại.
Sản xuất hữu cơ – thông minh không chỉ tạo ra sản phẩm giá trị cao mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và xã hội: Tổ chức du lịch sản xuất và cải thiện môi trường sống.
Bước 3: Đúc kết kinh nghiệm và nhân rộng
Dựa vào kết quả thực tế để đúc kết các kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Việc đúc kết thường tập trung vào các điểm chính sau:
– Hạ tầng có phù hợp không?
– Chính sách có mở đường không?
– Nhân lực có đáp ứng không?
– Giải pháp có hiệu quả không?
– Các mô hình có thật sự mang lại kết quả rõ rệt về KTXH và môi trường không?
Việc nhân rộng cũng không nên làm ồ ạt mà nên làm theo phương pháp quy chuẩn: chỉ những cơ sở nào đã học tập, nắm vững quy trình canh tác và dáp ứng các tiêu chuẩn mà Huyện đề ra mới được tham gia áp dụng quy trình mới.
III.2 Từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ thông minh
a/ Từ những hình mẫu ban đầu phát triển thông minh hóa ở mức sơ khởi
Khi đã xây dựng được những hình mẫu sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì việc biến chúng trở nên thông minh hơn không khó bởi lẽ người sản xuất đã hiểu rõ giá trị của việc ứng dụng công nghệ cao sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho dù phải đầu tư nhiều hơn.
Việc ứng dụng IoT vào kiểm soát môi trường canh tác, điều khiển hệ thống tưới, chăm sóc làm giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất rõ rệt.
Ví dụ so sánh cụ thể có thể lấy từ thực tế:
– Trồng chanh dây vô cơ lúc được, lúc mất và ngày càng kém hiệu quả, bệnh dịch phát sinh (phổ biến nhất là tuyến trùng và nấm). Trồng chanh dây hữu cơ trong nhà màng có kiểm soát môi trường cho năng suất và chất lượng cao, ổn định, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn nên xuất khẩu dễ dàng, doanh thu đạt 2-3 tỷ đồng/ha/năm và mặc dù đầu tư ban đầu lớn nhưng thời gian hoàn vốn nhanh (chỉ sau 1 đến 2 năm).
– Trồng lúa vô cơ nhiều nhất chỉ thu được 50 triệu/ha/năm trng khi trồng lúa hữu cơ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm do thu hoạch được lúa có chất lượng cao hơn cộng thêm phụ thu từ rơm rạ, vỏ trấu và sản phẩm xen canh (như nuôi tôm, cá,…)
b/ Từng bước xây dựng hạ tầng số nông nghiệp
Đây là nền tảng của nền kinh tế số nên cần chú trọng xây dựng ngay từ đầu. Mọi dữ liệu liên quan đến sản xuất nông nghiệp của địa phương (nông hóa, thổ nhưỡng từng vùng, từng địa phương, dữ liệu về các nông hộ, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn, cơ sở dữ liệu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, thông tin thị trường, cơ sở dữ liệu các chính sách, khung pháp lý, nguồn vốn, giải pháp công nghệ, hạ tầng sản xuất, chuyên gia,…) được tổ chức, cập nhật thành hạ tầng dữ liệu kinh tế nông nghiệp của huyện.
c / Xây dựng các điển hình sản xuất hữu cơ – thông minh
Dựa trên kết quả xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ được thông minh hóa (mục III.2 a) phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ – thông minh tiêu biểu của từng địa phương ở mức trung bình và khuyến khích các cơ sở vươn lên mức thông minh cao.
Quá trình này diễn ra khá nhanh do đã có đà và có lực. Nếu phấn đấu mạnh mẽ, nhiều địa phương có thể xây dựng thành công những mô hình này vào năm 2025. Khi đó, các địa phương dễ dàng vượt qua các chỉ tiêu đặt ra bởi lẽ nền nông nghiệp hữu cơ thông minh mang lại nhiều lợi ích hơn và toàn diện hơn, không thuần túy chỉ là sản phẩm hàng hóa.
KẾT LUẬN
Phát triển nông nghiệp hữu cơ thông minh là chiến lược đúng đắn. Trong quá trình thực hiện, mấu chốt của thành công nằm ở nỗ lực quyết tâm chuyển từ canh tác vô cơ sang canh tác hữu cơ. Nói cách khác, là nỗ lực vượt qua chính mình khi buộc phải thay đổi tập quán canh tác, hướng tới sản xuất an toàn và từng bước hiện đại hóa. Khi vượt qua bước này, những bước tiếp theo: hiện đại hóa, thông minh hóa,… trở nên đơn giản và hào hứng vì ai cũng nhìn thấy tương lai tốt đẹp về mọi mặt ở phía trước.
TS Nguyễn Tuấn Hoa và nhóm tư vấn