Phát triển nông nghiệp hữu cơ thông minh là con đường cần đi của Việt Nam( Phần 1)

Phát triển nông nghiệp hữu cơ thông minh là chiến lược đúng đắn. Trong quá trình thực hiện, mấu chốt của thành công nằm ở nỗ lực quyết tâm chuyển từ canh tác vô cơ sang canh tác hữu cơ. Nói cách khác, là nỗ lực vượt qua chính mình khi buộc phải thay đổi tập quán canh tác, hướng tới sản xuất an toàn và từng bước hiện đại hóa. Khi vượt qua bước này, những bước tiếp theo: hiện đại hóa, thông minh hóa,… trở nên đơn giản và hào hứng vì ai cũng nhìn thấy tương lai tốt đẹp về mọi mặt ở phía trước.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ THÔNG MINH

CON ĐƯỜNG CẦN ĐI CỦA VIỆT NAM

 Tác giả: TS Nguyễn Tuấn Hoa và nhóm tư vấn AITECH

 

Đặt vấn đề

Nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp: diện tích canh tác rộng (trên 10 triệu hecta), nguồn nước phong phú, đất tốt, nắng ấm quanh năm. Tuy nhiên, tập quán canh tác của chúng ta quá lạc hậu nên hiệu quả sản xuất rất thấp. Năm 2013, một giáo sư Nhật đã làm so sánh như sau: Hà Lan có diện tích canh tác nông nghiệp bằng 1/6 Việt Nam và chỉ làm được một vụ trong năm nhưng nông nghiệp tạo ra giá trị nông sản 76 tỷ USD/năm. Nếu có diện tích bằng Việt Nam và làm được 3 vụ/năm như ở Việt Nam thì về lý thuyết, theo cách làm của Hà Lan có thể tạo ra 76 tỷ x 6 lần diện tích x 3 vụ = 1368 tỷ USD. Có nghĩa là chỉ riêng nông nghiệp thôi, nếu đạt tới trình độ tiên tiến, Việt Nam có thể tạo ra GDP gấp 5 lần tổng GDP của cả nước hiện nay. Không nói đâu xa, có thể lấy ngay ví dụ ở ngành nuôi tôm của Việt Nam. Cả nước có 700,000 hecta nuôi tôm. Tập quán canh tác lạc hậu và phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất trung bình chỉ đạt khoảng 5 tấn/ha/vụ và bấp bênh, không ổn định vì nhiều lý do (nguồn nước bị ô nhiễm, bệnh dịch,…). Bên cạnh đó, một vài mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao ở Bạc Liêu, Sóc Trăng cho năng suất tới 100 tấn/ha/năm. Rõ ràng canh tác trình độ cao thì ít nhất cũng hiệu quả hơn cách làm truyền thống cả chục lần.

Vậy vấn đề đang nằm ở đâu? Ở tập quán canh tác vô cơ làm cho môi trường sản xuất ngày càng kiệt quệ, sản phẩm làm ra không an toàn, giá trị thấp, không ổn định và mức độ đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ thấp dẫn đến năng suất và chất lượng đều thấp. Giải quyết được  2 bất cập này thì nền nông nghiệp Việt Nam sẽ cất cánh.

Trong thời đại công nghệ số, phát triển nông nghiệp hữu cơ thông minh là con đường dẫn tới thành công nhanh nhất và bền vững nhất vì vừa phát huy được lợi thế của đất nước vừa tận dụng được những tiến bộ công nghệ của thời đại đang thay đổi từng ngày. Đó là nội dung được đề cập dưới đây với những mổ xẻ chi tiết về từng bước đi và giải pháp cụ thể.

 

I.                  NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ LÀ GÌ?

Trước tiên, để hiểu rõ tầm quan trọng của nông nghiệp hữu cơ, chúng ta điểm qua những nét chính của phương pháp sản xuất nông nghiệp vô cơ đã thịnh hành ở Việt Nam trong nhiều chục năm qua.

I.1 Định nghĩa nông nghiệp vô cơ: Nông nghiệp vô cơ là nền sản xuất nông nghiệp dựa trên sử dụng các hợp chất vô cơ (hóa chất) làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo quản sau thu hoạch.

Những đặc điểm của nông nghiệp vô cơ:

         Vào thời điểm ban đầu, nông nghiệp vô cơ cho năng suất vượt trội rõ rệt so với canh tác truyền thống, các loại thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh một cách hiệu quả, có thể nhận biết rõ ràng.

         Việc sử dụng phân bón hóa học không đúng cách gây ra chai đất, làm mất cân bằng sinh thái trong môi trường sản xuất. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thuốc BVTV hóa học gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Thế giới đã cảnh báo về những tác hại mà nông nghiệp vô cơ gây ra từ lâu. Các nước Mỹ, Nhật, Pháp,… đã cấm sử dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp từ 40 năm nay, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ là những nước cổ vũ phát triển nông nghiệp xanh trên 20 năm qua và nay trở thành những quốc gia có uy tín toàn cầu về chất lượng nông sản.

Ngày nay, với công nghệ tiên tiến, ví dụ chụp ảnh vệ tinh và phân tích quang phổ từ bức xạ ở từng vùng địa lý, người ta biết rõ nơi nào sản xuất an toàn, nơi nào không an toàn vì khi lạm dụng dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bằng hóa chất, các bức ảnh phản ánh có màu đặc trưng rất dễ nhận ra.

I.2 Định nghĩa nông nghiệp hữu cơ: Nông nghiệp hữu cơ là nền sản xuất nông nghiệp dựa trên sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm bảo vệ thực vật, bảo quản có nguồn gốc hữu cơ.

Những đặc điểm của nông nghiệp hữu cơ:

         Cây trồng, vật nuôi phát triển ổn định, tự nhiên, không mang tính “bùng phát” như vô cơ.

         Hoàn toàn an toàn đối với con người và môi trường.

 

Trồng rau hữu cơ

 

I.3 Quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp vô cơ sang hữu cơ

Quá trình này đi qua 3 bước:

Bước 1: Khắc phục những bất cập xuất phát từ nông nghiệp vô cơ.

Sau thời gian dài sử dụng hóa chất làm phân bón (phân NPK không phân hủy hoàn toàn) và đặc biệt là thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hóa chất rất độc hại, đất trở nên chai cứng, nhiều loại vi sinh vật có ích bị chết, pH đất giảm, nhiều loại bệnh sinh sôi. Các loại bệnh phát sinh có tác nhân gây bệnh chính là tuyến trùng, nấm, vi khuẩn và virus. Vì thế, bước đầu tiên trước khi chuyển đổi tập quán canh tác là khắc phục những hậu quả mà nông nghiệp vô cơ gây ra bằng cách diệt tuyến trùng, nấm, vi khuẩn và virus.

         Tuyến trùng: Tuyến trùng thuộc họ giun tròn sống ký sinh trên bộ rễ của cây trồng. Chúng cản trở sự hút nước và chất dinh dưỡng của cây nên làm cho cây úa vàng, chết mầm. Bên cạnh đó chúng còn tạo ra các vết thương trên rễ cây, mở đường cho các vi sinh vật có hại khác xâm nhập dễ dàng hơn. Tuyến trùng còn có thể truyền virus cho cây.

 

 

         Diệt tuyết trùng: Có nhiều cách để diệt hay xua đổi tuyến trùng. Cách đơn giản nhất là “dụ” cho tuyến trùng sang chỗ khác, ví dụ trồng một cây dứa (thơm) bên cạnh cây chủ (hồ tiêu, cà phê,…) tuyến trùng sẽ chuyển hết sang gốc cây dứa vì bên đó “ngon” hơn. Cách triệt để và bền vững là sử dụng các chủng vi sinh vật có ích khắc tinh của tuyến trùng phun vào bộ rễ của cây. Trước đó, do cây thiếu dinh dưỡng vì bộ rễ bị tổn thương nên cần hỗ trợ cây hấp thụ dinh dưỡng qua lá và thân (sử dụng phân bón lá hay phân bón nano).

Nấm: Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây bệnh cho cây trồng. Diệt nấm bằng các vi sinh vật kháng nấm hay các chế phẩm công nghệ sinh học (ví dụ enzyme neem) rất hiệu quả.

Virus, vi khuẩn: Lấy khuẩn diệt khuẩn là cách tốt nhất và bền vững nhất. Thực chất đây là quá trình tái cân bằng hệ sinh thái vi sinh vật nơi bộ rễ cây. Quá trình này diễn ra chậm, cần có thời gian nhưng chắc chắn. 

 

Bước 2: Thay đổi quy trình canh tác từ vô cơ sang hữu cơ

Nếu chữa bệnh cho cây xong mà vẫn áp dụng phương pháp canh tác vô cơ (dùng phân bón hóa học không đúng cách, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hóa chất) thì tốt nhất là không nên chữa vì ngay lập tức bệnh cũ lại tái phát và lúc đó thì việc phục hồi sẽ khó và tốn kém hơn nhiều.

Thay đổi sang canh tác hữu cơ là thực hiện tất cả các khâu sản xuất dựa trên các hợp chất hữu cơ:

Xử lý đất: Mục đích của việc xử lý đất là cải tạo đất, tạo ra trạng thái “đất khỏe” bằng cách diệt các mầm bệnh trong đất (ví dụ bằng ennzyme neem hay trực khuẩn cỏ khô Batillus suptilis) và tăng dinh dưỡng đất bằng phân bón hữu cơ vi sinh cùng các khoáng chất. Đất khỏe là nền tảng căn bản cho cây khỏe.

Xử lý nước: Thông thường người ta ít khi xử lý nước trước khi tưới cây. Điều này vô tình mang các mầm bệnh từ bên ngoài qua con đường tưới nước đến cây có thể làm cây lành thành cây bệnh. Phương pháp xử lý nước phổ biến là lọc và cân bằng nước (độ pH về chuẩn 6.5 – 7.2, không mang mầm bệnh, không chứa các chất độc hại như NH3, NH4, kim loại nặng,…) bằng công nghệ sinh học.

Bón phân: Là việc ung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây. Về cơ bản, cây trồng cần 18 chất bao gồm các chất đa lượng như C, N, P, K,… trung lượng như Mg, Ca,.. vi lượng như Cu, Mo,… Canh tác hữu cơ là bón cho cây phân bón hữu cơ có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng này. Người ta tạo ra phân bón hữu cơ tốt nhất cho cây bằng cách ủ các chất hữu cơ với các chủng vi sinh vật hữu ích, dùng các enzyme sinh học do vi sinh vật tiết ra để phân giải các chất hữu cơ thành các dưỡng chất nuôi cây.

Trong thực tế, việc bón phân được thực hiện theo kinh nghiệm và chưa đúng cách. Phương pháp khoa học nhất là xác định nhu cầu dinh dưỡng của cây theo chu kỳ sinh học (ra búp, trổ cành, ra hoa, kết quả,…) cây cần lượng dinh dưỡng khác nhau. Trong canh tác nông nghiệp chủ động, người ta điều tiết lượng dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu của cây từng ngày tuổi đối với cây ngắn ngày hay theo chu kỳ sinh học đối với cây dài ngày.

Dưới đây là bảng các chất dinh dưỡng cần cho một số loại cây trồng phổ biến ở Châu Âu.

Bảng các chất dinh dưỡng cần cho cây (tham khảo)

 

Thiết bị trộn dinh dưỡng và điều khiển tưới

Đối với những loại cây trồng có giá trị và trồng trên diện tích lớn hàng chục hecta, người ta sử dụng thiết bị trộn và cung cấp dinh dưỡng đến từng gốc cây bằng đường ống (tưới nhỏ giọt).

Tưới nước: Ở nước ta, việc tưới cây đang diễn ra theo cảm tính của người trồng chứ không phải theo nhu cầu thật sự của cây trồng.

Cả nguồn nước tưới và cách tưới đều không đạt yêu cầu. Vì thế, cần xử lý nguồn nước tưới như đã đề cập ở trên và áp dụng phương pháp tưới đúng. Tưới trên lá cây chỉ có tác dụng rửa lá vì cây không tiếp nhận nước qua lá. Tưới sũng gốc cũng là sai vì cây không “uống” nước mà cần độ ẩm thích hợp trong đất (khoảng 60% – 65% độ ẩm) để hút dinh dưỡng trong đất. Tưới như hiện nay lãng phí khoảng 70% – 90% lượng nước và đi kém với nó là năng lượng và công lao động.

Tưới đúng là tưới nhỏ giọt, căn chỉnh theo độ ẩm của đất. Cao cấp hơn là tưới nước có trộn dinh dưỡng theo ngày tuổi của cây. Đầu tư cho hệ thống tưới nhỏ giọt không cao (tùy loại cây trồng), nhưng hiệu quả thì rõ rệt: cây lớn nhanh, khỏe mạnh, không tốn công tưới, tiết kiệm nước và ức chế cỏ mọc.

Bảo vệ thực vật: Đây là khâu quyết định của nông nghiệp hữu cơ. Các giải pháp bảo vệ cây trồng khỏi sự tấn công của sâu, bệnh đều phải dựa vào các chất hữu cơ, không được sử dụng hóa chất. Thực tế cho thấy, bản thân cây trồng theo phương pháp hữu cơ có sức đề kháng, chống chịu sâu bệnh cao hơn. Bên cạnh đó, các phương pháp tiên tiến như trồng cây trong nhà màng, nhà lưới, sử dụng các chế phẩm sinh học và phương pháp vật lý, tự nhiên để bảo vệ cây trồng đều mang lại hiệu quả khẳng định. 

Bảo quản sau thu hoạch: Các phương pháp sinh học (màng  bọc sinh học, nước carbon,…) và vật lý (sấy thăng hoa, chiếu xạ,…) hoàn toàn có thể áp dụng để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch một cách tin cậy và an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Chế biến: Nông sản tươi sống được tiêu thụ dưới dạng nguyên liệu luôn có giá trị thấp. Thu nhập của người sản xuất sẽ tăng lên rõ rệt nếu sản phẩm được chế biến. Là sản phẩm hữu cơ nên nguyên tắc chế biến cũng phải là hữu cơ. Ở mức bình dân, những sản phẩm chế biến từ rau quả tươi như hồ tiêu xanh muối ớt tỏi, ngọn rau lang muối, củ cải trắng muối sử dụng chế phẩm hữu cơ bảo quản được 2 năm là những sản phẩm được người tiêu dùng chào đón. Mức cao cấp hơn, thân cây bắp xay nhỏ ủ men vi sinh làm thức ăn cho bò  hay xuất khẩu mang lại giá trị cao hơn nhiều so với thu hoạch trái bắp. Cao hơn nữa, sữa gạo hay mỹ phẩm làm đẹp từ cám gạo có giá trị cao hơn cám gạo hàng trăm đến hàng nghìn lần.

Tóm lại:

Nông nghiệp hữu cơ là nền nông nghiệp tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ luôn mang lại lợi nhuận cao hơn và bền vững hơn nhiều so với nông nghiệp vô cơ. Triển khai phát triển nông nghiệp hữu cơ, chúng ta dễ dàng đạt được các mục tiêu đề ra và còn hơn như thế.

 (Còn nữa)

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.