Mở chân rết bằng công nghệ

Chỉ với 10 người nhưng iWater đã tạo được mạng lưới giao nước tận nơi theo yêu cầu của khách hàng trên khắp địa bàn TPHCM nhờ ứng dụng công nghệ mới trong nền kinh tế nối kết.

Mở chân rết bằng công nghệ

Chỉ với 10 người nhưng iWater đã tạo được mạng lưới giao nước tận nơi theo yêu cầu của khách hàng trên khắp địa bàn TPHCM nhờ ứng dụng công nghệ mới trong nền kinh tế nối kết.

Ra mắt từ tháng 6-2016, đến nay, trung bình mỗi ngày, iWater giao hơn 1.000 bình nước tinh khiết đủ các thương hiệu như Đảnh Thạnh, Vĩnh Hảo, i-on Life, Vihawa, Bidrico, Aquafina, Lavie, Vikoda, 333, Wami…

Nhà chị Lê Thị Lệ Thủy ở đường Võ Duy Ninh, quận Bình Thạnh, TPHCM, thường dùng nước của Bidrico ở đại lý đường Trần Não (quận 2), sau một lần đại lý phát tờ rơi quảng cáo tận nhà. Chị cho biết vào những ngày thường, từ lúc gọi nước đến lúc nhân viên giao hàng tại nhà, chị thường mất khoảng hai tiếng đồng hồ chờ đợi. Cũng có những tình huống phải gọi điện thoại tới mấy lần mới có người nhận điện. Vào những ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ thì khó gọi dịch vụ hơn, thời gian chờ đợi dài hơn. Sau đó, nhờ một người bạn giới thiệu, chị gọi iWater, thời gian chờ đợi rút ngắn chỉ còn 30 phút, đường điện thoại thì luôn thông suốt.

iWater là sản phẩm mới nhất của Nguyễn Văn Nam, người luôn mê đắm những trang web thương mại điện tử. Từ năm 2005, với Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại cho thuê quảng cáo Việt Nam (AdsVietnam), Nguyễn Văn Nam cùng những người cộng sự đã làm rất nhiều dự án khác nhau. Khi nhận thấy mặt hàng thiết yếu nhất của cuộc sống con người là nước, mà trên thực tế, dịch vụ giao nước vẫn còn quá thô sơ, lãng phí sức lao động và bất tiện cho người mua, Nam nhập cuộc. Nghĩ ra cái tên iWater rồi, Nam đi nghiên cứu thị trường.

Thống kê sơ bộ đại lý các hãng Lavie, Vĩnh Hảo, ion Life, Aquafina, Bibrico, Sapuwa cho thấy có hơn 3.000 điểm kinh doanh dịch vụ nước uống các loại trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, 99% đang hoạt động với hình thức bán hàng truyền thống, kênh tìm kiếm khách hàng không có; 100% không có nhân viên kinh doanh, hầu hết khách hàng là từ khách cũ, khách quen qua việc phát tờ rơi quảng cáo mà có nên tỷ lệ tăng trưởng rất chậm, bán kính hoạt động rất hẹp; 99% đại lý không hiểu biết về công nghệ, không có hệ thống điện thoại tổng đài để tiếp nhận nhu cầu, đa số dùng số điện thoại di động, không có phầm mềm quản lý; kế hoạch tiếp thị, quảng cáo, kỹ năng giải quyết thủ tục hành chính, hợp đồng, báo giá, kế toán, thương thảo hợp đồng… đều yếu kém.

“Không cần phải là thiên tài. Để trở thành một nhà vô địch ẩn danh, chúng ta phải làm tốt hơn một chút rất nhiều việc nhỏ, làm có mục đích, liên tục và kiên trì”.

Nam đã liệt kê hết các điểm yếu anh quan sát được và nhận thực hiện những công việc đó. “Các đại lý cứ yên tâm điều hành giao nhận, kho bãi…, tôi lo toàn bộ các việc trên. Họ trả phí cho tôi 2.000 đồng/sản phẩm khi giao dịch thành công”, Nam cho biết.

Ngoài ra, Nam là pháp nhân trực tiếp giao dịch với nhà sản xuất. Anh gom các nguồn nhập hàng của các đại lý về một mối. Có sản lượng lớn, anh dễ dàng đàm phán được giá tốt. Tức thay vì một đại lý có khối lượng 5.000-7.000 sản phẩm, Nam tập hợp 10 đại lý lại để có 50.000-70.000 sản phẩm và làm việc với các nhà sản xuất.

Nam cung cấp và lắp đặt ở các đại lý toàn bộ công cụ làm việc gồm máy tính, tổng đài nội bộ, máy in hóa đơn, thẻ khách hàng, dịch vụ xuất hóa đơn tài chính cho khách hàng công ty, tem dán số điện thoại đường dây nóng trên bình nước, đồng phục cho nhân viên…

Nhờ áp dụng hệ thống Voip chuyên nghiệp có khả năng tiếp nhận cùng lúc hàng trăm cuộc gọi, khách hàng lúc nào cũng có thể liên hệ gọi nước trong thời gian phục vụ từ 8-20 giờ, dù ở bất cứ nơi nào trên địa bàn TPHCM. iWater tiếp nhận và chuyển cuộc gọi tới các đại lý gần khách hàng nhất để giao nước một cách nhanh nhất. iWater cũng đầu tư công nghệ quản lý khách hàng: hệ thống đặt hàng trực tuyến trên iwater.vn, chat web, chat Skype, chat Facebook messenger, e-mail, nhận diện khách hàng gọi đến, lịch sử giao dịch… để tiếp nhận thông tin đa chiều từ khách hàng.

Vào trang web www.iwater.vn, người muốn mua nước sẽ thấy giá cả của từng loại nước và sau cuộc gọi đến tổng đài, dù mua một bình hay vài chục bình, dù nhà ở huyện Củ Chi ngoại thành hay ở quận 1 sầm uất, khách hàng sẽ nhận được nước chậm nhất sau 60 phút.

Học theo mô hình Grab và Uber, việc ứng dụng công nghệ giúp iWater dù không sở hữu bình nước nào vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng, tiện lợi. Tại mỗi quận, huyện, công ty thiết lập bốn kho giao hàng. Sau khi tổng đài nhận điện thoại đặt hàng, tùy theo địa chỉ của người mua mà nhân viên giao nước ở gần nơi đặt hàng nhất sẽ đến kho gần nhất lấy nước đi giao. Để thiết lập được hệ thống trên, ngoài việc nghiên cứu tạo ra phần mềm ứng dụng, Nam còn làm việc với hàng trăm đại lý giao nước trên khắp thành phố. Thường thì mỗi đại lý có một nhân viên trực điện thoại và vài ba nhân viên giao nước. Nhưng tham gia iWater, các đại lý không cần đến nhân viên trực điện thoại nữa. Tổng đài của iWater sẽ điều phối việc giao nước dựa trên hệ thống định vị vừa nhanh, vừa gọn.

Nam cho biết trung bình mỗi ngày, iWater có thêm 30 khách hàng mới, phương tiện quảng cáo hữu hiệu mà doanh nghiệp này áp dụng là Google. Anh giải thích: “Vào Google gõ chữ “giao nước” thì sẽ thấy iWater nằm trong tốp đầu”.

Từ lúc có ý tưởng bắt tay xây dựng web và nội dung, nghiên cứu từ khóa tiêu dùng, thu thập địa giới hành chính, xây dựng các điểm kết nối bán kính khu vực thông qua báo cáo quy mô quận/huyện, phường, tên đường…, sau ba tháng, Nam nhận được cuộc gọi đầu tiên và số lượng cuộc gọi tăng liên tục. “Qua vận hành gần một năm, tôi thấy có nhiều nhu cầu thiết thực cần sự tiện ích và việc cung cấp dịch vụ cần chuyên nghiệp hơn. Tôi sẽ tích hợp thêm các sản phẩm gạo, gas, thực phẩm sạch chất lượng cao để phát triển app và mở rộng vùng hoạt động ra các thành phố lớn ở Việt Nam” Nam cho biết.

Câu chuyện của iWater là một ví dụ nhỏ trong bối cảnh cạnh tranh của ngành bán lẻ. Để tồn tại, doanh nghiệp cần hiểu biết sâu sắc về hành vi người tiêu dùng, biết ứng dụng công nghệ mới, phù hợp.

Hermann Simon khi nghiên cứu chiến lược kinh doanh của những công ty hàng đầu thế giới nhưng chưa được ai biết đến để viết cuốn sách Hidden champions of the 21st century (Các nhà vô địch ẩn danh của thế kỷ 21, Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Tri thức, Hà Nội, 2013) đã tóm tắt nhiều bài học. Trong đó, ông chỉ ra rằng: “Các nhà vô địch ẩn danh dạy chúng ta rằng, quản lý tốt nghĩa là làm nhiều việc nhỏ tốt hơn so với đối thủ chứ không phải là tìm cách làm thật tốt chỉ một việc rất lớn”. Ông cho biết: “Tôi thường xuyên nghe giám đốc điều hành của các nhà vô địch ẩn danh nói rằng họ không có phép thần thông có thể hạ gục đối thủ cạnh tranh. Nhiều ưu thế nhỏ gộp lại cuối cùng đã dẫn đến thành công. (…) Không cần phải là thiên tài. Để trở thành một nhà vô địch ẩn danh, chúng ta phải làm tốt hơn một chút rất nhiều việc nhỏ, làm có mục đích, liên tục và kiên trì”.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.