Theo Thế Giới Số đăng dẫn lại, dưới đây là bải phát biểu của ông Nguyễn Tuấn Hoa tại hội nghị.
Ông Nguyễn Tuấn Hoa – tác giả trình bày về kinh tế biển tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Trà Vinh ngày 15/1/2020.
Từ góc nhìn thế giới
Trong thế giới hội nhập, hàng hóa được vận tải giữa các quốc gia qua đường biển là chính (chiếm trên 90% tổng lượng hàng hóa XNK của thế giới). Vì vậy, các nước có biển có lợi thế hơn các nước không có biển trong việc XNK hàng hóa. Ở các nước có biển, các địa phương gần biển cũng có ưu thế phát triển hơn các vùng đất nằm sâu trong nội địa. Đơn giản là vì ở các vùng đất gần bờ biển chi phí vận tải thấp hơn, đi lại nhanh hơn và thuận tiện hơn. Sự thuận lợi đó thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư và vì thế, vùng ven bờ biển ở những nước có biển phát triển nhanh chóng, điển hình như vùng bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ, bờ Đông của Trung Quốc, vùng ven biển nước Úc…
Số liệu thống kê ở những nước này cho thấy tỷ lệ đóng góp rất cao của các hoạt động kinh tế diễn ra trong những vùng đất chịu ảnh hưởng của sinh thái biển. Điều này khiến người ta phải tiến hành những nghiên cứu nghiêm túc trong việc xác định không gian phát triển kinh tế biển và chọn lựa những ngành kinh tế nào phát huy được nhiều nhất những tiềm năng và lợi thế do sinh thái biển tạo ra ở cả vùng ngoài biển lẫn vùng đất liền gần biển.
Kết quả hình thành bức tranh như sau: Kinh tế biển được phát triển trên 2 vùng là vùng ngoài biển (tính từ bờ biển ra hết vùng đặc quyền lãnh hải quốc gia) và vùng duyên hải (là dải đất rộng 100 km tính từ bờ biển vào đất liền hoặc ở lưu vực các dòng sông chịu tác động của biển tới nơi mà sinh thái biển còn hiện diện). Sau 20 phát triển, người ta đã thống kê và phân tích sâu sắc đặc thù của kinh tế biển và rút ra nhiều bài học quý giá, bao gồm cả những kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu và sự xâm mặn do nước biển dâng.
Minh họa không gian phát triển kinh tế biển
Ở Mỹ, số liệu thống kê cho thấy kinh tế biển đóng góp tới 83% vào GDP của nước này, trong đó, vùng ngoài biển đóng góp 5% GDP, còn vùng duyên hải đóng góp tới 77% GDP mặc dù vùng duyên hải ở Mỹ chỉ chiếm 1/3 tổng diện tích quốc gia. Người ta cũng nhận ra rằng, trong vùng duyên hải, dải đất sát bờ biển có độ rộng khoảng 10 – 15 km chạy dọc ven bờ biển (còn gọi là vùng ven bờ) có tốc độ phát triển nhanh nhất và đóng góp vào GDP nhiều nhất, tới 30% GDP quốc gia.
Trong quá trình phát triển kinh tế biển, người ta chọn lọc và xác định những ngành nào nên khuyến khích phát triển ở vùng ngoài biển và những ngành nào cho vùng duyên hải để khai thác được tốt nhất những lợi thế được tạo ra từ những vùng này. Theo công bố của Mỹ năm 2010, 9 ngành được khuyến khích phát triển ngoài biển là:
- Xây dựng biển (dàn khoan, đường ống và cáp, công trình bảo vệ bờ biển)
- Đánh bắt hải sản
- Khai thác khoáng sản biển (khai thác dầu khí, quặng)
- Đóng tàu biển và thuyền
- Du lịch và nghỉ dưỡng biển
- Giao thông vận tải biển và cảng
- Hoạt động của chính quyền (tuần duyên, cứu hộ, quốc phòng,…)
- Nghiên cứu và giáo dục về biển
- Bất động sản trên biển, đảo
Và 12 ngành được khuyến khích phát triển trong vùng duyên hải, người ta gọi đó là 12 siêu ngành kinh tế bởi chúng đóng góp nhiều nhất vào GDP quốc gia:
- Xây dựng
- Các dịch vụ giáo dục và sức khỏe
- Các hoạt động tài chính
- Thông tin truyền thông
- Giải trí và nghỉ dưỡng
- Chế tác (manufacturing)
- Tài nguyên thiên nhiên và khai thác khoáng sản
- Các dịch vụ khác (tài chính, bảo hiểm, logistics,…)
- Các dịch vụ nghề nghiệp và kinh doanh
- Hành chính công
- Các ngành công nghiệp chế xuất và phụ trợ
- Thương mại, giao thông và các tiện ích
Việt Nam chưa đánh giá hết cơ hội kinh tế do sinh thái biển mang lại
Nước ta có diện tích 331.210 km², bờ biển dài 3260 km (theo website chính phủ), nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nên có tiềm năng và lợi thế vượt trội trong phát triển kinh tế biển.
Theo cách tính của quốc tế, phần lớn diện tích nước ta nằm trong vùng phát triển kinh tế biển, trong đó, quan trọng nhất là những vùng kinh tế trọng điểm của đất nước đều nằm trong vùng lõi của kinh tế biển. Theo quan niệm của quốc tế, TP.HCM là thành phố biển vì TP.HCM chỉ cách bờ biển 75 km và dòng sông Sài Gòn là sông nước lợ, nơi sinh thái biển còn hiện diện rất rõ rệt, nhất là những ngày triều cường. Gần như toàn bộ ĐBSCL nằm trong vùng phát triển kinh tế biển vì sinh thái biển còn hiện diện ở tận Vàm Nao thuộc tỉnh An Giang (thực tế cho biết loài cá Dứa sống ở biển nhưng đẻ trứng ở Vàm Nao, ranh giới tự nhiên giữa vùng nước ngọt và nước lợ).
Đối với quốc tế, kinh tế biển là thế mạnh, là cơ hội phát triển. Đối với Việt Nam, nhiều người chưa đánh giá được hết các cơ hội do sinh thái biển mang lại. Có thể nhận ra một cách dễ dàng những ứng phó của con người với biển theo nhận thức và quan niệm truyền thống trong mọi lĩnh vực như logistics (ưu tiên đường bộ), nông nghiệp (ưu tiên cây lúa), môi trường (ưu tiên phòng ngừa), thủy lợi (ưu tiên thủy lợi ngọt, bóng dáng thuỷ lợi mặn rất mờ),… thậm chí có suy nghĩ và hành động ngăn chặn ảnh hưởng của sinh thái biển như các dự án ngăn mặn, ngọt hóa ở một số địa phương. Điều này xuất phát từ ảnh hưởng của văn hóa lúa nước (cần nước ngọt) đã thấm sâu vào nhận thức của người Việt chúng ta.
Khi hòa đồng với sinh thái biển, chúng ta thấy những hình ảnh lợi ích khác, bao gồm: Logistics dựa trên đường thủy sẽ giảm nhanh chi phí vận tải nội địa, đặc biệt là ở ĐBSCL; Sản xuất nông nghiệp phù hợp với sinh thái biển cho hiệu quả cao hơn nông nghiệp nước ngọt trên cùng một đơn vị diện tích (ví dụ nuôi trồng thủy sản cho thu nhập cao hơn hàng chục, thậm chí hàng trăm lần (như trồng rong nho hay vi tảo so với trồng lúa); Xử lý môi trường bằng công nghệ sinh học, sống chung với biến đổi khí hậu bằng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái tự nhiên hiệu quả hơn là dùng hóa chất hay các biện pháp ngăn chặn chủ quan khác; Thủy lợi ngọt thường hướng tới bảo vệ (đắp đê, điều nước), thủy lợi mặn lại hướng tới hài hòa với thiên nhiên để phát triển bền vững,…
Vì vậy chấp nhận và phát huy những tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển ở nước ta theo quan niệm của quốc tế sẽ mở ra cơ hội to lớn cho đất nước, bao gồm cả việc tìm ra những giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu mà thách thức đến từ biển là chính.
Theo tính toán của chúng tôi, kinh tế biển Việt Nam có khả năng đóng góp đến 90 – 95% GDP của cả nước nếu chúng ta biết phát huy mọi tiềm năng và lợi thế của mình. Điều cần làm ngay là mỗi địa phương trong vùng kinh tế biển cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển phù hợp nhất với điều kiện riêng của mình, dựa trên việc lựa chọn các ngành kinh tế nào phù hợp nhất với những điều kiện đó, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi đáp ứng được hai yêu cầu chính là chi phí sản xuất thấp (đặc biệt là chi phí logistics) và thúc đẩy hình thành cộng đồng đa ngành có tính hài hòa và tương tác cao để thu hút đầu tư cho mục tiêu phát triển hiệu quả, bền vững. Theo hướng này, các địa phương, ví dụ như tỉnh Trà Vinh, vốn được xem là tỉnh nông nghiệp nghèo, cách trở, sẽ nhanh chóng chuyển mình thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, là đầu mối logistics (logistics hub) không chỉ của ĐBSCL mà còn của Tiểu vùng Mekong, và dựa trên lợi thế đó để trở thảnh một trung tâm dịch vụ quan trọng gắn liền với dòng Mekong và Biển Đông.
Bên cạnh đó, trong thời đại số, cần “nhúng” các hoạt động phát triển kinh tế biển VN vào môi trường số, thực hiện chuyển đổi số ngay từ bước xây dựng kế hoạch để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đó là con đường nhanh nhất tạo ra những bước phát triển đột phá tiến lên văn minh, hiện đại./.