Trong những năm gần đây, tỷ trọng các ngành trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam có dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng các ngành Nông, Lâm, Ngư nghiệp, tăng tỷ trọng cơ cấu các ngành dịch vụ, công nghiệp xây dựng. Có một thực tế đáng quan tâm rằng Việt Nam là nước có điều kiện phù hợp để phát triển nền nông nghiệp, tuy nhiên tỷ trọng ngành sản xuất nông nghiệp luôn thấp hơn so với những ngành khác. Từ đó, chúng ta có thể nhận định rằng chuyển đối số nền nông nghiệp là xu thế tất yếu, nếu thành công sẽ đem lại bước chuyển mình mạnh mẽ cho nền kinh tế nước nhà. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là “Chuyển đổi số nông nghiệp thành công sẽ đem lại gì cho nước ta”, “Làm thế nào để chuyển đổi số nông nghiệp thành công”.
Hình ảnh minh họa
Bàn sâu hơn về tỷ trọng các ngành nghề trong cơ cấu nền kinh tế nước ta những năm gần đây. Theo số liệu tổng hợp của Tổng cục thống kê năm 2019, tỷ trọng ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản của nước ta chiếm 13,20%, ngành Công nghiệp và xây dựng chiếm 33,98%, ngành dịch vụ chiếm 42,74%,… Ngành sản xuất Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản chiếm tỷ trọng thấp hơn rất nhiều, chưa bằng một nửa tỷ trọng nền sản xuất công nghiệp và dịch vụ, mặc dù nước ta được thiên nhiên ưu ái rất nhiều về khí hậu, địa hình, vị trí địa lý,… trong khi để phát triển các ngành nghề về dịch vụ, xây lắp,… lại cần có sự hỗ trợ không nhỏ từ nước bạn về nguồn vốn, về công nghệ. Không kể đến để có thể hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, các nước đã phải có nền công nghệ phát triển hơn nước ta, điều đó đồng nghĩa sản phẩm được tạo ra của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh trên thị trường vượt ngoài đường biên giới.
Chuyển đổi số nông nghiệp khó nhưng kết quả đạt được nếu chúng ta có thể chuyển đổi số thành công rất xứng đáng với tiền bạc, thời gian, công sức và trí tuệ chúng ta đã bỏ ra. Thử tính toán cơ bản dựa trên quy trình sản xuất như đối với nền nông nghiệp lúa nước truyền thống, trên mỗi thửa ruộng Bắc Bộ (360m2) người nông dân cần tốn các chi phí từ đầu vụ như: cày xới đất trên ruộng, gieo mạ, cấy lúa,… sau đó đến công đoạn chăm sóc giai đoạn giữa vụ thu hoạch như phun thuốc sâu, bón phân,… toàn bộ quy trình canh tác thủ công mất khoảng 4 tháng đến khi thu hoạch .Từ trước đến nay người nông dân canh tác truyền thống cấy cày và chăm bón dựa trên kinh nghiệm những người đi trước để lại và ước chừng dựa trên cảm nhận của mắt thường. Do đó lượng thuốc sâu và lượng phân bón người nông dân đưa vào đất thường nhiều hơn so với nhu cầu của cây, từ đó gây ra tình trạng ô nhiềm môi trường đất và tốn kém chi phí canh tác mà không đem lại cho cây môi trường sống lý tưởng để phát triển, do đó hiệu quả canh tác không cao. Tuy nhiên, nếu như có thể áp dụng khoa học tiến bộ vào canh tác tất cả các khâu, các giai đoạn đều dùng máy ta có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian so với làm thủ công. Giai đoạn theo dõi cây sinh trưởng, nếu như chúng ta áp dụng hệ thống cảm biến thông minh theo dõi được tình trạng của cây, lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đưa vào môi trường sẽ vừa đủ cho cây sử dụng và không làm ô nhiễm nguồn đất. Từ đó hiệu quả canh tác cải thiện về cả số lượng và chất lượng, đồng thời tiết kiệm được nguồn nhân lực, tài lực mà phương thức canh tác truyền thống đang lãng phí.
Trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để chuyển đổi số thành công?” chúng ta cần tìm đáp án cho vấn đề “Chuyển đổi số nông nghiệp đang gặp những vấn đề gì”. Trước hết, vấn đề nan giải nhất chúng ta đang gặp phải là vấn đề về nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Vấn đề ở đây không phải ở số lượng nhân lực mà ở trình độ nguồn nhân lực. Trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là nông dân không được đào tạo chuyên môn có bài bản mà hầu hết là kinh nghiệm được truyền từ đời trước sang đời sau. Nguồn nhân lực này cũng hạn chế trong việc tiếp nhận đào tạo tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, cơ sở vật chất và trang thiết bị để thực hiện cũng là vấn đề còn nhiều tồn đọng cần giải quyết.