Sau 6 tháng triển khai tại huyện Xuyên Mộc- Bà Rịa nhóm chuyên gia của AITECH để xử lý thành công bệnh chết nhanh chết chậm cho cây hồ tiêu và xử lý mùi hôi, bùn tại ao nuôi tôm.
Hiện trạng canh tác hồ tiêu tại huyện Xuyên Mộc
Diện tích cây hồ tiêu của toàn huyện là 5.130 ha, diện tích cho sản phẩm là 3.525 ha, tổng sản lượng 8.812,5 tấn. Diện tích hồ tiêu được trồng tập trung ở các xã Hòa Hiệp, Hòa Hôi, Hòa Bình và Xuyên Mộc của huyện. Năng suất trung bình cây tiêu khoảng 2,36 tấn/ha/năm. Qua điều tra cho thấy độ tuổi của chủ vườn trồng hồ tiêu ở huyện Xuyên Mộc từ 45 – 60, trình độ học vấn của chủ vườn đa số đọc và viết tốt (chiếm tỷ lệ 100%), số năm tham gia sản xuất hồ tiêu từ 5 – 23 năm. Tất cả các hộ điều tra đều có phương tiện liên lạc là điện thoại bàn hoặc di động, rất thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin về mọi mặt.
Đa số các vườn hồ tiêu ở huyện có mức độ thâm canh cao với mật độ trồng dày (khoảng 1.600 cây/ha). Hầu hết các vườn trong độ tuổi trên 10 năm có mật độ trồng là 1.600 cây/ha tương ứng với khoảng cách trồng là 2,5 x 2,5m. Đối với các vườn tiêu dưới 10 năm tuổi thường có mật độ trồng thưa hơn, khoảng 1.100 cây/ha tương ứng với khoảng cách trồng từ 3 x 3 m.
Diện tích trồng hồ tiêu nhỏ lẻ (0,7 – 2ha) với nhiều độ tuổi khác nhau (từ 3 – 20 năm) nên sản lượng thấp, không ổn định. Trên vườn chủ yếu trồng xen cà phê, chuối và bưởi da xanh.
Qua điều tra cho thấy 95% số hộ không tiến hành việc thiết lập hồ sơ về biện pháp xử lý giống, nguồn gốc giống hay các biện pháp xử lý giống và giống tự sản xuất nhưng họ biết nguồn gốc cây giống khi trồng (80,67% số hộ trồng bằng hom giâm do tự sản xuất hoặc mua giống cây hom tại địa phương, chỉ có 17,33% số hộ đã mua cây giống từ những nơi bán có uy tín (Trung tâm Khuyến Nông, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên và công ty giống cây trồng) và tỷ lệ này ngày càng được nâng cao do các hộ dân thấy cây giống đạt chất lượng tôt. Bên cạnh đó cũng có một số ít hộ mua cây giống trồng không rõ nguồn gốc (mua giống trôi nổi), 100% số hộ được điều tra trồng tiêu với trụ sống. Trụ sống được trồng với mật độ thưa hơn trụ gỗ và trụ bê-tông, số hom giống được trồng phổ biến là 2 hom/trụ.
Kết quả điều tra cũng cho thấy 100% số hộ điều tra tuân thủ việc sử dụng phân bón trong danh mục được phép sử dụng trên cây hồ tiêu (chủ yếu sử dụng các loại phân NPK 15.15.15, NPK 20.20.15, NPK 16.16.8, Urê, lân, kali, phân hữu cơ, vi sinh hummic, phân hữu cơ vi sinh An Sinh, phân bón lá growmore). Có 79,33% số hộ điều tra tuân thủ việc sử dụng phân hữu cơ đã qua xử lý để bón cho vườn hồ tiêu, chủ yếu nhà vườn mua phân hữu cơ (phân chuồng) từ các cơ sở sản xuất tư nhân và ủ 1-3 tháng trước khi bón cho cây, số ít nhà vườn ủ phân có nhà mái che. 100% số hộ được điều tra đều bón vôi cho vườn hồ tiêu, hình thức bón chủ yếu là bón rải đều quanh gốc trụ tiêu.
Nước tưới rất cần thiết cho các giai đoạn sinh trưởng của cây hồ tiêu đặc biệt là giai đoạn trổ bông và nuôi trái.
Nguồn nước: Có 100% hộ sử dụng nước giếng khoan để tưới cho vườn tiêu, trong đó có 10% hộ sử dụng thêm nguồn nước từ ao và sông suối để tưới cho vườn tiêu. Chất lượng nước ngầm trên địa bàn huyện khá tốt nhưng lượng nước không đồng đều thường xảy ra tình trạng thiếu nước tưới ở nhiều hộ trên địa bàn huyện, tập trung ở xã Hòa Hiệp.
Theo kết quả điều tra nông dân và khảo sát thực tế cho thấy các bệnh hại hồ tiêu: bệnh vàng lá chết chậm, bệnh chết nhanh, bệnh thối thân thối rễ, … đang diễn biến khá phức tạp trên địa bàn huyện. Các bệnh hại trên thường lây lan nhanh và phát triển mạnh vào mùa mưa và thường gây hại nặng ở các vườn ít được đầu tư chăm sóc.
Qua điều tra ghi nhận:có 56,6% tổng số vườn được điều tra bị nhiễm bệnh chết chậm, bệnh chết nhanh; trong đó có 14,3% vườn- bệnh gây hại với mức độ nặng (thiệt hại 10 – 20% năng suất); 24,2% số vườn bị bệnh bệnh thối thân thối rễ xâm nhiễm làm cho hoa rụng sớm với 7,5% số vườn bị nhiễm bệnh ở mức độ nặng.
Tình hình sử dụng thuốc BVTV trên vườn hồ tiêu ở huyện hiện nay rất đáng quan tâm với 98,3% hộ nông dân sử dụng rất nhiều loại thuốc BVTV để phòng trừ sâu hại. Trong đó, 84,7% số hộ không nhớ hết được tên của các loại thuốc BVTV đã sử dụng, khoảng 21,2% số hộ sử dụng thuốc BVTV với nồng độ cao hơn so với khyến cáo của nhà sản xuất. Đây có thể là những nguyên nhân làm cho nhiều loài thiên địch bị tiêu diệt và làm cho các loài côn trùng gây hại ngày càng kháng thuốc và có thể dẫn đến sự bộc phát của dịch hại thứ cấp, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và người canh tác
Nhóm chuyên gia đã khảo sát đã chọn được 02 vườn của hộ dân Lâm Văn Tám và 01 vườn của hộ dân Lâm Ngọc Nhâm (Ấp Phú Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học cải tạo đất và phòng trừ bệnh chết nhanh cho cây hồ tiêu thuộc nhiệm vụ “Ứng dụng chế phẩm sinh học cải tạo đất và phòng trừ bệnh chết nhanh cho cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”. Tại hộ dân Lâm Văn Tám ghi nhận các cây hồ tiêu đang bị bệnh chết nhanh, chết chậm gây hại ở mức >10% tổng số cây trong vườn, diện tích vườn là 1,5ha, khu vườn B ghi nhận các cây hồ tiêu đang bị bệnh chết nhanh, chết chậm gây hại ở mức <5% tổng số cây trong vườn, diện tích vườn là 1ha
Bà Phạm Lan Hương- Giám đốc công ty AITECH đại diện nhóm chuyên gia trong buổi tổng kết nhiệm vụ
Đoàn chuyên gia của AITECH và đại diện Sở KHCN nghiệm thu tại vườn
Kết quả thực hiện sau 6 tháng của nhóm chuyên gia AITECH:
Sau quá trình điều tra hiện trạng sản xuất và tinh hình bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu ở huyện Xuyên Mộc, nhóm chuyên gia đã thiết lập được mô hình ứng dụng thành công chế phẩm sinh học vào cải tạo đất và phòng trừ bệnh chết nhanh cho cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
− Đã xây dựng quy trình sử dụng chế phẩm cải tạo đất và trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu phù hợp để chuyển giao cho nông dân.
− Đã hoàn thành và đào tạo cho cán bộ địa phương quy trình phân lập vi sinh vật từ đất.
− Đã phân lập được chủng vi khuẩn Bacillus subtilis spp. lưu giữ tại phòng thí nghiệm.